0

Phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa stress và tăng cân | Safe and Sound

Khi buồn chán, stress trước những khó khăn của cuộc sống, nhiều người có xu hướng ăn “thả ga” để giải toả tâm trạng và những món ngon miệng này thường có hàm lượng cao đường, chất béo. Tuy nhiên, chuyên gia tâm lý khuyến cáo, các hành vi này dễ khiến họ rơi vào vòng luẩn quẩn không lời thoát của “buồn chán - ăn nhiều - tăng cân - buồn chán”.

Nguyễn Thị Hồng Hạnh | Bác sĩ - Viện tâm lý và sức khỏe tinh thần SnS

Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Cộng đồng và Phát triển

Vì xuất phát điểm của vòng luẩn quẩn này là stress, nên điều quan trọng nhất để thoát khỏi nó là nhận thức và tìm ra cách lành mạnh, thay vì ăn uống theo cảm xúc, ngủ ít,... để đương đầu với stress. Dưới đây là những lời khuyên mà chuyên gia tâm lý của Safe and Sound gợi ý cho những ai muốn phòng tránh hoặc thoát khỏi vòng luẩn quẩn stress - tăng cân có hại này:

1. Ăn

Theo các nghiên cứu của chuyên gia tâm lý, phụ nữ có khuynh hướng ăn đồ chứa chất béo khi họ vừa rơi vào tình trạng căng thẳng lại vừa muốn kiềm chế lượng calo nạp vào cơ thể nhằm giảm cân. Điều đó có nghĩa là không phải bao giờ việc chống lại những đòi hỏi của cơ thể cũng là tốt. Đến bữa, hãy cứ ăn một hoặc hai miếng nhỏ thay vị tuyệt thực, nhịn ăn hoàn toàn. Cách này sẽ giúp bạn tránh được việc ăn quá nhiều khi cơ thể lên cơn thèm.​

Thay vì dự trữ thức ăn vặt ngon miệng - nhưng chứa nhiều đường và chất béo xung quanh mình, chuyên gia tâm lý khuyên bạn nên chuyển sang trữ các loại thức ăn vặt, thực phẩm có lợi cho sức khoẻ, gồm các loại hạt, trái cây vốn có công dụng giảm stress tự nhiên.

Theo chuyên gia tâm lý, các chế độ ăn kiêng theo trào lưu như keto, nhịn ăn gián đoạn,... thường yêu cầu gắt gao kiêng ăn một số loại thực phẩm, nên dễ gây mất cân bằng dinh dưỡng và dẫn tới rối loạn ăn uống. Trái lại, một chế độ ăn giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ giúp hình thành hệ khuẩn ruột lành mạnh, qua đó hỗ trợ hấp thu và tiêu hoá các dưỡng chất từ thực phẩm và cải thiện chức năng tế bào trong cơ thể.

Ảnh 1: Ăn uống “giải sầu” là một thói quen lợi bất cập hại

2. Ngủ

Có thể đây là yếu tố cuối cùng bạn nghĩ đến khi nói về các tác nhân gây tăng cân. Song thực ra bạn đã nhầm. Chuyên gia tâm lý cho biết, một người ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi ngày có lượng cortisol tăng hơn 50% vào buổi sáng so với người ngủ 8 tiếng. Không chỉ vậy, thiếu ngủ còn làm tăng lượng ghrelin (hoóc môn kích thích cảm giác đói) và giảm leptin (hoóc môn triệt cảm giác đói). Tuy nhiên, cũng không nhất thiết vì sợ tăng cân mà suốt ngày lo ngủ. Tất cả các nghiên cứu đều đã cho thấy ngủ 7 hay 8 tiếng mỗi đêm là thích hợp nhất cho bạn. Ngủ ít hay nhiều hơn số giờ này đều có thể dẫn đến tăng cân.

3. Chờ đợi

Không ai có thể sống trong tình trạng căng thẳng liên tục. Nếu bạn chỉ gặp những tình huống căng thẳng đơn lẻ như tắc đường hay chờ đến lượt khám bệnh thì có thể bạn không chịu tác động của cortisol. Giống như tất cả các hormone khác, cortisol không thể nằm trong máu bạn mãi mãi. Vì thế, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh rằng, nếu bạn có thể tìm cách giải tỏa trong hai hay ba tiếng thì hormone này sẽ ra khỏi hệ thống cơ thể bạn, bạn an toàn. Hãy đọc một cuốn tạp chí, xem phim hay làm bất cứ việc gì giúp bạn thư giãn.

4. Tập thể dục

Ảnh 2: Tập thể dục giúp giảm stress và duy trì cân nặng hiệu quả

Các hành vi lành mạnh như ăn uống hợp lý và tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn chống lại sự tăng cân liên quan đến stress. Theo chuyên gia tâm lý, tập thể dục có thể giúp bạn giải quyết cùng một lúc cả hai vấn đề, vừa giúp bạn giảm thiểu stress hiệu quả vừa tăng cường sức khỏe. Hãy đưa tập thể dục vào thói quen hàng ngày của bạn bằng cách dành một chút thời gian đi dạo trong giờ nghỉ trưa hoặc tập thể dục, chạy bộ sau giờ làm việc... Điều này giúp duy trì khối lượng cơ thể ở mức ổn định.

Ngoài ra bạn có thể tập thiền, yoga, hoặc đơn giản chỉ là hít thở sâu cũng có thể giúp hormone cortisol trở lại mức bình thường.

: Phá vỡ vòng luẩn quẩn giữa stress và tăng cân | Safe and Sound

Đăng ký nhận tư vấn ngay

Nhận tư vấn về sức khoẻ tinh thần từ Safe and Sound